Báo cáo của Sở KH-ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong 2 tháng đầu năm cho thấy tổng vốn FDI vào tỉnh tăng gần 5,4 lần so với năm ngoái và địa phương đặt mục tiêu thu hút 2 tỉ USD vốn FDI trong năm nay. Chỉ riêng KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 trong quý đầu tiên của năm nay đã "chiếm" 4 dự án với tổng vốn trên 550 triệu USD. Trong đó có 2 dự án đến từ Nhật Bản của Tập đoàn Tosoh - chuyên sản xuất hóa chất cơ bản và dự án sản xuất thực phẩm của nhà đầu tư Showa Sangyo. Ngoài ra còn có một dự án sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Công nghệ điện tử nghe nhìn BOE Bắc Kinh (Trung Quốc) và một dự án là cơ sở lưu trú cho 10.000 người lao động của Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ (VN).
Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo KCN này cho biết hiện có 5 nhà đầu tư đang trong quá trình làm thủ tục đầu tư và dự kiến sẽ được cấp phép trong tháng 4 và tháng 5 năm nay với tổng vốn đăng ký là khoảng 425 triệu USD. Đó là dự án sản xuất phụ kiện cho ngành may mặc của nhà đầu tư đến từ Hồng Kông; sản xuất polysilicon cho sản phẩm ngành bán dẫn và dự án sản xuất lò nung cùng các linh kiện đi kèm đều đến từ Nhật Bản; dự án sản xuất vòi hoa sen và các thiết bị dùng trong nhà tắm của Đài Loan, và dự án sản xuất sản phẩm sau thép của nhà đầu tư trong nước.
Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 là khu công nghiệp kiểu mẫu về thông minh - sinh thái đầu tiên tại VN
Như vậy trong 5 tháng đầu của năm, KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 dự kiến sẽ có 9 nhà đầu tư với tổng vốn khoảng 975 triệu USD. "Tỷ lệ lấp đầy tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 đạt trên 80% diện tích; trong đó chủ yếu là các tập đoàn đa quốc gia, quy mô lớn, công nghệ hiện đại từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc đại lục... Tính đến thời điểm hiện tại, tổng vốn đầu tư thu hút vào KCN là khoảng 4 tỉ USD. Với lợi thế và định hướng chiến lược đúng đắn, chúng tôi dự kiến đến năm 2027, khi các nhà đầu tư hoàn tất thủ tục, tổng vốn đầu tư thu hút vào KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 có thể đạt 6,71 tỉ USD. Tỷ suất thu hút đầu tư trung bình trên một hecta đất ở đây khoảng 9 - 10 triệu USD/ha cho thuê", đại diện Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ chia sẻ.
Từ năm 2019, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chọn KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 do Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ làm chủ đầu tư để xây dựng một KCN kiểu mẫu. Kế đó, phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Bà Rịa-Vũng Tàu chọn KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 phát triển thành KCN sinh thái, thông minh kiểu mẫu, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành. Kết quả thu hút vốn ngoại của KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 cho thấy sự lựa chọn này là đúng đắn và đúng xu hướng thời đại.
Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 là khu công nghiệp kiểu mẫu về thông minh - sinh thái đầu tiên tại VN
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) nhận định: Tốp đầu trong thu hút FDI luôn có sự cạnh tranh lớn. Trong đó, các địa phương có chính sách đột phá, hướng đến xây dựng các KCN bền vững theo tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị, vận hành số hóa chiếm lợi thế. Điển hình như trường hợp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, địa phương thường xuyên nằm trong tốp đầu của cả nước về thu hút FDI, đang định hướng phát triển các KCN theo mô hình thông minh - sinh thái, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vận hành.
Quy hoạch KCN để đón đầu làn sóng đầu tư mới
Hôm nay 30.3, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1629 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 16.12.2023. Theo đó, sẽ đưa vào quy hoạch và phát triển một số KCN mới nhằm đón đầu làn sóng đầu tư mới, trong đó có KCN Phú Mỹ nằm sát KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 với chỉ tiêu sử dụng đất của KCN Phú Mỹ đến năm 2030 là 455 ha.
Trong thực tế, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến mục tiêu phát triển bền vững, tìm kiếm các giá trị về môi trường, xã hội và quản trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thế nên, phát triển KCN theo mô hình mới như KCN công nghệ cao, KCN sinh thái… sẽ là cơ hội rất lớn để thu hút những "đại bàng" có định hướng phát triển xanh, bảo vệ môi trường...
Đại diện Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ cho biết: Với tỷ lệ lấp đầy trên 80%, công ty đang trình các cơ quan có thẩm quyền hồ sơ xin chấp thuận chủ trương mở rộng KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 với diện tích khoảng 455 ha nằm liền kề khu hiện hữu. Mục tiêu là xây dựng một hệ thống tổng thể KCN đồng bộ, hoàn chỉnh, đạt chuẩn quốc tế, sánh tầm với các KCN của các nước trong khu vực. "Với các lợi thế của địa phương, kết nối hạ tầng hiện hữu của KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, cân bằng suất đầu tư KCN, thu hút các nhà máy có chất lượng cao và ngành dịch vụ hậu cần cảng biển (logistics)… chúng tôi hoàn toàn đáp ứng được mục tiêu phát triển bền vững và tăng đóng góp ngân sách cho địa phương", vị này tự tin khẳng định.
Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 nhìn từ trên cao
Đặc biệt, với kinh nghiệm đầu tư phát triển, quản lý, vận hành chuyên nghiệp sẵn có, và năng lực xúc tiến đầu tư nước ngoài, đại diện KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 khẳng định hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu khó tính của nhà đầu tư Nhật Bản về chất lượng hạ tầng đạt chuẩn quốc tế, dịch vụ một cửa chuyên nghiệp… để đón đầu làn sóng đầu tư mới vào tỉnh nói riêng và VN nói chung.
Ủng hộ mô hình này, TS Phan Hữu Thắng - Chủ tịch lâm thời Liên chi hội tài chính KCN VN (VIPFA) - cho rằng KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chọn để phát triển KCN kiểu mẫu là chủ trương đúng đắn. Dự án được sự hỗ trợ, hợp tác với phía Nhật Bản là hoàn toàn yên tâm về chất lượng cũng như các tiêu chí xanh, tiêu chí tuần hoàn, thông minh, hiện đại… Trong xu hướng phát triển bền vững hiện nay, mô hình các KCN sinh thái là bước đi cần thiết.
Vì thế, theo TS Phan Hữu Thắng, KCN kiểu mẫu ở Bà Rịa-Vũng Tàu không chỉ là kiểu mẫu tại địa phương mà còn là mô hình KCN kiểu mẫu để các địa phương khác tham khảo, áp dụng. Dù vậy, ông Thắng thừa nhận để xây dựng một KCN kiểu mẫu như vậy không đơn giản vì cần rất nhiều chi phí để xử lý các vấn đề về môi trường, đầu tư hạ tầng đồng bộ. KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 của Bà Rịa-Vũng Tàu là hình thức đầu tư linh hoạt, tìm được sự hỗ trợ từ các quốc gia phát triển để đầu tư, cụ thể là Nhật Bản.
"Nhật Bản là quốc gia phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, với kinh nghiệm xây dựng KCN xanh… họ sẽ là nhà tư vấn, hỗ trợ lựa chọn nhà đầu tư tốt nhất cho địa phương. Quan trọng hơn là sự hợp tác mở rộng và phát triển vùng có KCN mang tầm ảnh hưởng sánh ngang các KCN hiện đại trong khu vực. Đó là cơ sở để thu hút vốn ngoại vào các KCN sinh thái nói riêng và vào VN nói chung", TS Thắng nhận xét.
KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận từ năm 2014. Định hướng ban đầu của chủ đầu tư - Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ - là xây dựng phát triển KCN theo hướng công nghiệp sinh thái, phát triển công nghiệp xanh có khả năng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu dựa trên tiềm năng và lợi thế của địa phương cũng như tạo sự liên kết công nghiệp với các KCN hiện hữu của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Do vậy, các nhà đầu tư vào đây ngay từ đầu phải đạt các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, sinh thái, xanh và phát triển mô hình cộng sinh công nghiệp mà không cần phải thực hiện những bước chuyển đổi các tiêu chí để đạt KCN sinh thái và KCN xanh như quy định hiện hành.